Thursday, October 27, 2011

Phụ bản B Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Phụ bản:
A: Góp ý với bài viết của Trần Ngọc Giang.
B: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
C. Chân dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa.
D: Chân dung Người Vợ Lính Việt Nam Cộng Hòa.
E: Nhận xét của một số độc giả.
Đôi dòng vế tác giả.

Phụ bản B

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

*****
Là một quân nhân dù trên cổ không còn mang “tấm thẻ bài” ghi tên Phạm Bá Hoa, loại máu O, nhưng vẫn còn nhớ số quân 50A/400.005, tôi xin góp phần ôn lại chuyện hôm qua về quân đội mà tôi đã phục vụ 20 năm 11 tháng 18 ngày.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có sức mạnh của một lịch sử hào hùng, với dũng khí của một dân tộc vẻ vang, xông pha trận mạc bằng lý tưởng tự do dân chủ, trong mục đích phục vụ nguyện vọng toàn dân, bao gồm các quyền tự do căn bản và quyền mưu tìm hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình, và quê hương Việt Nam sẽ trở nên hùng mạnh.
Nhưng, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa  đã bị “bức tử” từ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Bài này góp phần “ôn lại chuyện hôm qua”. Ôn lại chuyện hôm qua, không phải để hoài niệm hay luyến tiếc bất cứ điều gì, mà để xác định đúng một chế độ phục vụ nguyện vọng người dân, để khẳng định một lập trường chính trị, để góp phần ung đúc ý chí dấn thân trong công cuộc dân chủ hóa chế độ chính trị trên quê hương Việt Nam.
1950-1954: Giai đoạn hình thành          
Trong cuộc chiến tranh giữa quân Pháp thực dân với Việt Minh cộng sản (1946-1954), Quốc Hội Pháp thông qua đạo luật vào tháng 5 năm 1950, thành lập quân đội Việt Nam với 60.000 quân, với danh xưng “Quân Đội Quốc Gia Việt Nam” trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp Nhưng đến ngày 01/05/1952, văn kiện thành lập Bộ Tổng Tham Mưu mới chánh thức ban hành do Quốc Trưởng Bảo Đại ký, và vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh. Bản doanh Bộ Tổng Tham Mưu tọa lạc trên đại lộ Trần Hưng Đạo, Quận 5 Sài Gòn.   

Trước khi thành lập Bộ Tổng Tham Mưu, đã có một số đơn vị được thành lập, tuy là đơn vị Việt Nam nhưng do sĩ quan Pháp chỉ huy: 

“Trường Sĩ Quan Việt Nam” tại Huế 1948, sau 2 khóa đào tạo sĩ quan đã chuyển lên Đà Lạt tiếp nhận Trường Võ Bị Liên Quân Đặc Biệt của Pháp, và đổi tên là "Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt". Đầu những năm 1960, trường này cải tổ chương trình huấn luyện với thời gian đào tạo sĩ quan hiện dịch lên đến 4 năm, và đổi tên là “Trường Võ Bị Quốc Gia”.
“Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức” và “Trường Sĩ Quan Trừ Bị Nam Định”, văn kiện thành lập từ ngày 24/12/1950, nhưng đến những tháng cuối năm 1951 mới bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên. Trường Nam Định chỉ đào tạo khóa duy nhất rồi đóng cửa. 
Trong năm 1951, các đơn vị đầu tiên và thấp nhất được thành  lập, là: Thiết Giáp. Truyền Tin. Quân Vận. Nhẩy Dù. Công Binh. Pháo Binh.
Trong khi trên chiến trường, hoạt động quân sự của Việt Minh cộng sản, với sự yểm trợ tối đa của Trung Hoa cộng sản, làm cho bộ tư lệnh viễn chinh Pháp ngày càng bối rối bởi những trận đánh với cấp bộ đại đoàn, một loại đơn vị chiến thuật trên cấp trung đoàn nhưng dưới cấp sư đoàn. Một căn cứ kiên cố bậc nhất của Pháp tại chiến trường Đông Dương với gần 13.000 quân trú phòng, được xây dựng trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ, gần biên giới Lào. Mục tiêu là nhử các đơn vị lớn của Việt Minh cộng sản đến để Pháp dùng hỏa lực pháo binh và không quân tiêu diệt. Nhưng, sau 3 tháng đánh nhau dữ dội với những tổn thất nặng nề cho cả hai bên, ngày 07/05/1954, quân trú phòng Pháp đầu hàng. Sự kiện này đã dẫn đến Hiệp Định đình chiến ngày 20/07/1954 tại Genève, Thụy Sĩ, chia Việt Nam thành hai quốc gia: Từ vĩ tuyến 17 trở lên phía bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do cộng sản cai trị, từ vĩ tuyến 17 trở xuống phía nam, là nước Quốc Gia Việt Nam theo chế độ tự do.
Hiệp định đó không có chữ ký của Việt Nam và Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, dưới Quốc Trưởng Bảo Đại có chánh phủ do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Biết bao vấn đề khó khăn khi đất nước chỉ còn lại từ vĩ tuyến 17 trở xuống, trong đó công tác định cư cho gần 1.000.000 đồng bào miền Bắc thoát khỏi chế độ cộng sản vào Nam tìm tự do, là một trong những mục tiêu lớn của chánh phủ mới nhận trách nhiệm ngày 07/07/1954, vỏn vẹn chỉ  hai tuần lễ trước đó.

Vào cuối giai đoạn này, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam có:

Lục Quân:
Bộ Tổng Tham Mưu  và một số cơ quan phòng sở trực thuộc.
Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, đào tạo sĩ quan hiện dịch.
Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.
Trường Hạ Sĩ Quan tại các Quân Khu.
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, đào tạo chiến binh.
67 Tiểu Đoàn Bộ Binh.
5 Tiểu Đoàn Pháo Binh.
Liên Đoàn Nhẩy Dù với 5 Tiểu Đoàn.
Trung Đoàn Thiết Giáp.
6 Đại Đội Truyền Tin.
6 Đại Đội Công Binh.
6 Đại Đội Quân Vận.

Không Quân:
2 Phi Đoàn Quan Sát Trợ Chiến, trang bị phi cơ Morane.
Trước cuối năm 1954, nhận thêm 39 phi cơ quan sát và phi cơ vận tải do Mỹ viện trợ ngang qua trung gian của Pháp.

Hải Quân:
3 Hải Đoàn Xung Phong,  trang bị loại giang đỉnh LCM và LCVP.
3 Liên Đoàn Tuần Giang.
Và một lực lượng com-măng-đô. Tuy không thuộc Hải Quân, nhưng khi chuyển vào Nam thì sáp nhập vào một tổ chức có tên là "Hải Quân Bộ Binh". Binh chủng này là tiền thân của "Thủy Quân Lục Chiến" thành lập tháng 05/1955.    
Để kịp thời chống lại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do họ cài lại hằng chục ngàn  đảng viên cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa khi họ chuyển từ Nam ra Bắc. Hiệp Định Đình Chiến có điều khoản qui định, lực lượng của cộng sản tại miền Nam tập trung lại rồi chuyển ra miền Bắc (Hiệp Định qui định, cộng sản miền Bắc chuyển lực luợng  trong Nam ra Bắc). Một kế hoạch tái tổ chức toàn bộ quân đội được thực hiện ngay trong năm 1955. Lúc ấy, tổ chức đơn vị cao nhất chỉ là cấp Tiểu Đoàn, được tổ chức thành Trung, Sư Đoàn, và Quân Đoàn, với dụng cụ chiến tranh do Hoa Kỳ viện trợ.
Đầu năm 1956, toàn bộ quân đội Pháp rút khỏi Việt Nam. Bản doanh Bộ Tổng Tham Mưu, từ Quận 5 chuyển đến địa điểm mới gần phi trường Tân Sơn Nhất thuộc Quận Phú Nhuận (tỉnh Gia Định), trước đó là bản doanh của Bộ Tư Lệnh Viễn Chinh Pháp. Doanh trại này rất khang trang, bề thế, có tên là “Trại Trần Hưng Đạo”, tọa lạc trên đường Võ Tánh nối dài.
Cuộc cải tổ bước đầu hoàn tất, với 4 Sư Đoàn Dã Chiến (1, 2, 3, 4) và 6 Sư Đoàn Khinh Chiến (11,12, 13, 14, 15, 16). Sự khác biệt giữa hai loại Sư Đoàn này là vấn đề trang bị. Sư Đoàn Khinh Chiến với quân số khoảng 6.500 và trang bị nhẹ, trong khi Sư Đoàn Dã Chiến với quân số khoảng 10.000 và trang bị nặng.
Cuộc cải tổ sang bước thứ hai. 10 Sư Đoàn đó tổ chức lại thành 7 Sư Đoàn Bộ Binh (1, 2, 5, 7, 21, 22, 23)  Loại Sư Đoàn này thống nhất về tổ chức lẫn trang bị, với quân số mỗi Sư Đoàn khoảng 10.500 quân, có đủ các đơn vị binh chủng yểm trợ trực thuộc: Quân Vận, Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Y, Cộng Binh, Truyền Tin, Pháo Binh, Thiết Giáp. Lần lượt theo thời gian, thành lập thêm 3 Sư Đoàn Bộ Binh (9, 25, 18) và phát triển Lữ Đoàn Nhẩy Dù với Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến lên cấp Sư Đoàn. 
Trong giai đoạn này, nhiều cuộc đảo chánh quân sự xảy ra đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự của quân đội, và trong một mức độ nào đó, đã ảnh hưởng đến sự phân hóa ở cấp lãnh đạo cao nhất. Tháng 4 năm 1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh (cầm quyền sau cuộc đảo chánh ngày 30/1/1964), đã hệ thống hóa tổ chức quân đội với danh xưng “Quân Lực Việt  Nam Cộng Hòa” bao gồm: Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, và Địa Phương Quân Nghĩa Quân.
Do lời kêu gọi của Trung Tướng Nguyễn Khánh, các quốc gia Đồng Minh gồm Hoa Kỳ, Đại Hàn (S. Korea), Thái Lan, Australia, New Zealand, Phi Luật Tân, đưa quân đến giúp Việt Nam chống cộng sản. Quân đội đông nhất là Hoa Kỳ với hơn 500.000 quân. 
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào cuối giai đoạn 1955-1967, như sau:
Bộ Tổng Tham Mưu với các cơ quan phòng sở trực thuộc.

Lục Quân:
4 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn (I, II, III, IV)  với các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
10 Sư Đoàn Bộ Binh (1, 2, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, 25).
Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến (tổng trừ bị).
Sư Đoàn Nhẩy Dù và Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù là đơn vị tổng trừ bị.
Lực Lượng Đặc Biệt.
Lực lượng Biệt Động Quân.
Nha Kỹ Thuật (đơn vị đặc biệt).
4 Trung Đoàn Thiết Kỵ (không kể các Thiết Đoàn trong tổ chức Sư Đoàn Bộ Binh).
11 Tiểu Đoàn Pháo Binh 155 ly và 1 Tiểu Đoàn 155 ly (không kể các Tiểu Đoàn Pháo Binh trong tổ chức Sư Đoàn).
Tổng Cục Tiếp Vận với 8 ngành chuyên môn Quân Y, Quân Nhu, Quân Cụ, Quân Vận, Quân Tiếp Vụ, Mãi Dịch, Công Binh, Truyền Tin, và 5 Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận địa phương.
Tổng Cục Quân Huấn với các quân trường đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, đào tạo chuyên viên cho các binh chủng binh sở, và các trung tâm huấn luyện đào tạo chiến binh.
44 Tiểu Khu với lực lượng Địa Phương Quân Nghĩa Quân, và Pháo Binh diện địa và Quân Y diện địa. 

Không Quân:
Bộ Tư Lệnh Không Quân với các cơ quan trực thuộc.
Không Đoàn 41 tại Đà Nẳng.
Không Đoàn 62 tại Plei Ku.
Không Đoàn 23 tại Biên Hòa.
Không Đoàn 33 tại Tân Sơn Nhất.
Không Đoàn 74 tại Cần Thơ. 
Không Đoàn Tân Trang & Chế Tạo.

Hải Quân:
Bộ Tư Lệnh Hải Quân với các cơ quan trực thuộc.
Lực Lượng Giang Lực và Hải Lực, được trang bị 64 chiến hạn và 303 chiến đỉnh.
Các Bộ Tư Lệnh Hải Lực, Giang Lực cấp Vùng.
Hải Quân Công Xưởng.

Sau cuộc tổng tấn công của quân cộng sản vào hầu hết các tỉnh lỵ trên toàn quốc đầu năm 1968 nhân Tết Nguyên Đán Mậu Thân, Hoa Kỳ cung cấp một số loại vũ khí mới cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, như: Súng trường M16, súng đại liên M60, súng phóng lựu M79, súng chống chiến xa M72, … Lúc ấy gọi là “tối tân hóa quân dụng”. Thành lập thên Sư Đoàn 3 Bộ Binh.
Do thỏa Ước Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hòa Bình, ký ngày 27 tháng 1 năm 1973 tại Paris, toàn bộ quân đội Đồng Minh rút khỏi Việt Nam Cộng Hòa. Quân đội Hoa Kỳ để lại hầu hết vũ khí giúp quân lực Việt Nam Cộng Hòa gia tăng quân số, khả dĩ lấp vào khoảng trống do quân đội Đồng Minh rút về nước. Lúc ấy gọi là “Việt Nam Hóa Chiến Tranh”.     
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vào đầu năm 1975, với quân số gần 1.100.000 người trong hệ thống tổ chức như sau:
Bộ Tổng Tham Mưu với đầy đủ các cơ quan, binh chủng, binh sở trong hệ thống quản trị hành chánh, nhân viên, huấn luyện, chiến tranh chính trị, tiếp vận. Riêng ngành Tiếp Vận có khả năng sửa chữa và tân trang toàn bộ quân dụng chung, do Lục Quân Công Xưởng, các Căn Cứ Quân Nhu, Công Binh, Đạn Dược, Truyền Tin, Tồn Trữ Sửa Chữa Dù, và các Trung Tâm Bảo Toàn quân dụng trách nhiệm. Quân dụng chung, là những loại quân dụng trang bị cho Lục Quân nhưng Hải Quân và Không Quân có sử dụng.
Về huấn luyện.
Trường  Cao Đẳng Quốc Phòng trực thuộc Bộ Quốc Phòng, đào tạo sĩ quan, tướng lãnh, và viên chức hành chánh, có kiến thức lãnh đạo các ngày sinh hoạt quốc gia. Trong quân đội, một hệ thống trường quân sự, gồm:
Trường Chỉ Huy Tham Mưu, đào tạo cấp chỉ huy Quân Đoàn, Sư Đoàn, Trung Đoàn, và sĩ quan tham mưu các cấp. 
Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, với chương trình 4 năm, đào tạo sĩ quan hiện dịch có kiến thức căn bản trong các ngành sinh hoạt quốc gia.
Trường Bộ Binh Thủ Đức (về sau là Long Thành), đào tạo sĩ quan trừ bị, có kiến thức căn bản bộ binh, và đào tạo chỉ huy cấp Đại Đội, cấp Tiểu Đoàn.
Trường Hải Quân và Trường Không Quân, đào tạo sĩ quan và chuyên viên cho quân chủng.
Trường Chỉ Huy Tham Mưu trung cấp Không Quân, đào tạo sĩ quan tham mưu cho quân chủng.
 Trường Đồng Đế, đào tạo hạ sĩ quan. Từ năm 1968, trợ giúp Trường Thủ Đức, đào tạo sĩ quan trừ bị cho nhu cầu phát triển quân đội do lệnh tổng động viên.
Trường Tiếp Vận, Trường Quân Y, Quân Cụ, Quân Nhu, Quân Vận, Truyền Tin, Công Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp, Biệt Động Quân, Hành Cháh Tài Chánh, đào tạo các sĩ quan chuyên  môn cho binh chủng binh sở liên hệ.
Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, đào tạo chiến binh.   
Các Trung Tâm Huấn Luyện cấp Quân Khu, đào tạo chiến binh, và tái huấn luyện cấp đơn vị.
Trung Tâm Huấn Luyện Nhẩy Dù, và Trung Tâm Huấn Luyện Thủy Quân Lục Chiến (Đồng Ba Thìn), đào tạo chuyên môn cho binh chung.
Về quản trị.
Trung Tâm Điện Toán Bộ Quốc Phòng, với dàn máy IBM 360/40, quản trị toàn bộ tài chánh, nhất là ngân sách quốc phòng.
Trung Tâm Điện Toán Nhân Viên/ Bộ Tổng Tham Mưu, với dàn máy IBM 360/40, quản trị toàn bộ quân nhân.
Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận/Tổng Cục Tiếp Vận, với dàn máy IBM 360/50, quản trị toàn bộ quân dụng chung.
Trung Tâm Điện Toán Không Quân, quản trị toàn bộ quân dụng của quân chủng, ngoại trừ quân dụng chung.
Trung Tâm Điện Toán Hải Quân, quản trị toàn bộ quân dụng của quân chủng, ngoại trừ quân dụng chung.
Về trang bị tổng quát.
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được trang bị:

Hơn 2.000.000 khẩu súng cầm tay.
1.200 xe chạy xích, kể cả chiến xa M48.
Hơn 1.000 khẩu đại bác, từ 105 ly, 155 ly, đến 175 ly nòng dài cơ động.
Hơn 40.000 xe chạy bánh.
1.600 chiến hạm chiến đỉnh.
Hơn 2.000 phi cơ các loại, từ cánh quạt, trực thăng, đến phản lực.

Về tổ chức:

Bộ Tổng Tham Mưu với các cơ quan trực thuộc, kể cả hệ thống quân trường.

Lục Quân. Quân số chủ lực quân là 450.367 người, và tổ chức tổng quát như sau:  

4 Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn và các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
11 Sư Đoàn Bộ Binh (SĐ 1, 2, 3, 5, 7, 9, 18, 21, 22, 23, và SĐ25BB).  
1 Sư Đoàn Nhẩy Dù.
1 Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
1 Liên Đoàn Biệt Cách Dù.
Hơn 20 Liên Đoàn Biệt Động Quân.  
4 Lữ Đoàn Kỵ Binh Thiết Giáp biệt lập (Không kể trong mỗi Sư Đoàn Bộ Binh có 1 Thiết Đoàn Kỵ Binh).
Lực Lượng Lôi Hổ và Biệt Hải.

Các đơn vị Pháo Binh biệt lập trang bị đại bác 105 lý, 155 ly, 175 ly, và súng phòng không. (Không kể trong tổ chức mỗi Sư Đoàn có 3 Tiểu Đoàn 105 ly và 1 Tiểu Đoàn 155 ly)

Tổng Cục Tiếp Vận: (1) Các Cục Quân Cụ, Quân Nhu, Quân Y, Quân Vận, Quân Tiếp Vụ, Truyền Tin, Mãi Dịch. (2) Các đơn vị chuyên môn: Trường Tiếp Vận, Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận, Trung Tâm Tiếp Liệu Lục Quân, Căn Cứ Chuyển Vận. (3) Các Căn Cứ Tồn Trữ & Bảo Trì: Căn Cứ Truyền Tin, Căn Cứ Công Binh, Căn Cứ Đạn Dược, Căn Cứ Nhiên Liệu, Căn Cứ Thực Phẩm & Quân Trang. (4) Tôn trữ & Tân Trang: Tổng Kho Long Bình, Lục Quân Công Xưởng.

Quân số Địa Phương Quân & Nghĩa Quân là 533.000 người.

Vào những ngày cuối tháng 04/1975, Sư Đoàn 106 Biệt Động Quân được thành lập gấp rút để phòng thủ  Phú Lâm, cửa ngõ vào thủ đô Sài Gòn từ hướng tây nam.           

Không Quân. Quân số hơn 61.453 và tổ chức tổng quát như sau:

Bộ Tư Lệnh với các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
5 Sư Đoàn tác chiến.
1 Sư Đoàn vận tải.
1 Không Đoàn Tân Trang Chế Tạo.

Chỉ trong năm 1973, tiếp nhận hơn 900 phi cơ, gồm: 560 trực thăng, 230 khu trục, 100 vận tải, và các loại khác. Trong tổ chức 6 Sư đoàn không quân, có số lượng các phi đoàn như sau: 20 phi đoàn khu trục, trang bị khoảng 550 phi cơ. 23 phi đoàn trực thăng, trang bị khoảng 1000 phi cơ. 8 phi đoàn quan sát, trang bị khoảng 200 phi cơ. 9 phi đoàn vận tải, trang bị khoảng 150 phi cơ. Và 4 phi đoàn hỏa long, trang bị phi cơ AC119 nhưng không rõ số lượng. Ngoài ra còn có các Phi Đoàn đặc biệt. 
Hải Quân. Quân số hơn 40.931 và tổ chức tổng quát như sau:

Bộ Tư Lệnh và các đơn vị yểm trợ trực thuộc.
Giang Lực với 14 Giang Đoàn, trang bị chiến đỉnh các loại.
Hải Lực với 1 Hạm Đội, trang bị tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm, trợ chiến hạm, giang pháo hạm, tuần duyên hạm, dương vận
hạm, hải vận hạm, và giang vận hạm.  

Liên Đoàn Người Nhái. 
Hải Quân Công Xưởng.
                                                
******

No comments: