Thursday, October 27, 2011

Chương 4 / Đảo Chánh ngày 19 tháng 2 năm 1965

- bốn -

Đảo Chánh ngày 19 tháng 2 năm 1965

*****
Sáng sớm chủ nhật, 19 tháng 2 năm 1965, tiếng súng nổ ở hướng Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, hướng căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất, và hướng Bộ Tổng Tư Lệnh. Tôi lái xe xuống Biệt Khu Thủ Đô vì gần nhà. Đường Lê văn Duyệt từ Chợ Ông Tạ đến "trại Lê Văn Duyệt" (tức Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô) phải hơn nửa tiếng đồng hồ vì kẹt xe. Đến cổng trại, tôi gặp ngay Thiếu Tá Lưu Ngọc Kỉnh -bạn tôi từ năm 1955- đang là Tiểu Đoàn Trưởng thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh, có nhiệm vụ chiếm giữ Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô:

“Chào anh Kỉnh. Ông nào lãnh đạo vậy anh?

“Anh Hoa, lâu quá mới gặp. Thiếu Tướng Phát (Lâm Văn Phát) lãnh đạo đó”.

“Bây giờ Thiếu Tướng đi với cánh quân nào anh biết không?

“Thiếu Tướng lên hướng căn cứ Không Quân và tôi đoán là ổng đang ở trên đó”.

“Tôi nghe có tiếng súng bên hướng Bộ Tổng Tư Lệnh. Vậy bên đó có lực lượng nào không anh?

“Có. Trung Tá Thao với 2 Tiểu Đoàn chiếm giữ bên đó. Nè, anh nói giùm với Trung Tá Thao là tôi đến đây rồi mà chưa có lệnh gì thêm, với lại không có tiếp tế thực phẩm cho anh em. Anh nói Trung Tá Thao liên lạc với tôi và đem tiếp tế đến đây giùm nghe”.

“Sao anh không gọi máy nói chuyện với ảnh?

“Lệnh im lặng vô tuyến chưa giải toả nên không dùng máy. Thôi, anh đi giùm đi”.

“Được rồi. Tôi sang Bộ Tổng Tư Lệnh ngay. Chào anh”.

Chiếc Jeep phải lách mãi mới quay lại được đường Thoại Ngọc Hầu và chạy sang Bộ Tổng Tư Lệnh. Tại cổng số 1, Quân Cảnh Bộ Tổng Tư Lệnh kiểm soát chặt chẻ người lẫn và xe ra vào cổng. Bên trong, hầu hết là quân nhân mang phù hiệu Sư Đoàn 25 Bộ Binh. Trước cửa văn phòng Tổng Hành Dinh/Bộ Tổng Tư Lệnh, tôi gặp Trung Tá Lê Hoàng Thao.

Đầu năm 1962, anh là Thiếu Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Vỉnh Bình trong thời gian Đại Tá Trần Thiện Khiêm, Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang bao gồm 8 tỉnh bờ nam sông Tiền, kể cả tỉnh Vỉnh Bình. Lúc ấy tôi là Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh, kiêm điều hành văn phòng Ấp Chiến Lược của Khu Chiến Thuật Hậu Giang. Do công tác này mà tôi tiếp xúc thường xuyên với quí vị Tỉnh Trưởng đang trắc nghiệm Ấp Chiến Lược, từ đó chúng tôi quen nhau.

“Anh Thao. Hôm nay trông anh oai quá”.

“Oai cái gì. Mệt quá trời đây nè”.     

“Anh Kỉnh cần liên lạc với anh và xin anh lo tiếp tế cho Tiểu Đoàn của ảnh bên Biệt Khu Thủ Đô đó”.

“Giờ này làm sao tôi lo được, bên đó phải tự túc chớ. Được rồi, tôi sẽ gọi ảnh”.

“Thiếu Tướng Phát ở đâu anh Thao?

“Bên căn cứ Không Quân. Ổng bắt được ông Khánh rồi (ý nói Trung Tướng Nguyễn Khánh). Tôi cho anh biết là có ông Thảo bên Mỹ về làm vụ này đó nghe. Xong là "sếp" về ngay”."Sếp" mà Trung Tá Thao vừa nói có nghĩa là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm đang là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Còn ông Thảo, tức Trung Tá Phạm Ngọc Thảo. Trước kia ông Thảo bên hàng ngũ cộng sản về "hồi chánh" thời Tổng Thống Diệm. Với mức độ tin cậy nào đó, Tổng Thống Diệm đồng hóa cấp Đại Úy cho ông và cử ông giữ chức Tỉnh Trưởng tỉnh Kiến Hòa (tức Bến Tre), một địa phương mà đa số đồng bào có thân nhân hoạt động trong hàng ngũ cộng sản. Do thành tích triệt hạ nhiều hạ tầng cơ sở cộng sản tại đây nên được tiến cấp Thiếu Tá, sau đó lại lên Trung Tá (cấp đồng hóa khi được thăng cấp gọi là "tiến cấp"), và do đề nghị của Trung Tá Thảo mà Thiếu Tá Thao được Tổng Thống cử giữ chức Tỉnh Trưởng tỉnh Vỉnh Bình.

Trung Tá Thảo có vẻ như được lòng của Đại Tá Khiêm, có thể vì ông được Tổng Thống Diệm nâng đỡ, cũng có thể do thành tích của Trung Tá Thảo tại Kiến Hòa, hoặc cả hai kết hợp lại. Nhưng có điều tôi không rõ là Đại Tá Khiêm có cảm tình với Trung Tá Thảo là thật lòng hay vì yếu tố chính trị? Bởi, theo tôi, Đại Tá Khiêm là người ít nói nhưng không phải là kém thận trọng, vì dù sao đi nữa thì những gì Trung Tá Phạm Ngọc Thảo đạt được trong thời gian qua, vẫn chưa đủ sức bôi xóa được nguồn gốc quá khứ của ông, để tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. 
Trung Tá Thảo đang làm việc trong tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Do những điều tôi biết về Đại Tướng Khiêm đến trước ngày ông lưu vong (7/10/1964) thì tôi không tin Đại Tướng Khiêm phái Trung Tá Thảo về đây tổ chức đảo chánh. Nhưng có thể là nhận thức của tôi sai lầm, vì biết đâu quan điểm chính trị của Đại Tướng Khiêm từ ngày lưu vong đến nay -dù chưa đầy 5 tháng- đã thay đổi? Dù sao thì Trung Tá Phạm Ngọc Thảo -theo lời Trung Tá Thao- cũng đang có mặt trong cuộc đảo chánh này vẫn làm tôi thắc mắc.
Đến đây tôi xin mở ngoặc để thuật lại câu chuyện liên quan giữa tôi với cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trong cuộc điện đàm tối 21/10/2003. Sau khi ông hỏi tôi những chi tiết trong cuộc đảo chánh này, tôi liền hỏi lại ông: (trong câu chuyện, cựu Đại Tướng Khiêm xưng là anh Tư  và ông gọi tôi là chú, tôi thì xưng em)

“Thưa anh Tư, em xin hỏi anh Tư trong vụ Thiếu Tướng Phát đảo chánh ngày 19/02/1965, theo lời Trung Tá Lê Hoàng Thao nói với em là có Trung Tá Phạm Ngọc Thảo từ tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ về tham gia, dự trù khi thành công thì anh Tư về cầm quyền. Điều đó có đúng không anh Tư?

“Trời ơi! Bây giờ chú hỏi Anh mới biết là tại sao lúc đó mấy anh nhà báo của Mỹ nhất là tờ Washington Post theo phỏng vấn Anh.

“Họ hỏi Anh biết gì về cuộc đảo chánh đó? Anh trả lời là Anh không biết gì hết, và đang chờ tin tức từ Việt Nam. Còn cái vụ ông Thảo về Việt Nam là do ông Khánh (Trung Tướng Nguyễn Khánh) gởi công điện gọi ông Thảo về gấp đó. Anh có nghe nói khi ông Thảo về tới phi trường Tân Sơn Nhất, được người nào đó cho biết là ông Khánh đã phái người chận bắt ông Thảo đem đi giết, nên người đó giúp ông Thảo chạy trốn luôn. Về sau, bị nhóm nào đó bắt được và giết chết”.   

“Vậy thì lời của Trung Tá Lê Hoàng Thao đã không đúng”.

Và cựu Đại Tướng Khiêm hỏi lại tôi:

“Chú có biết là tại sao ông Phát (Thiếu Tướng Phát) đảo chánh ông Khánh (Trung Tướng Khánh) bị thất bại, mà ông Khánh lại lưu vong hông? Ông Phát thua thì phải rồi, còn ông Khánh tại sao thua? Hồi ông Khánh qua ở đây với Anh (Đại Tướng Khánh có đến nhà Đại Tướng Khiêm khi ông Khiêm giữ chức Đại Sứ tại Hoa Kỳ), Anh có hỏi ổng: “Tại sao ông Phát thua mà Anh cũng thua nữa? Ông Khánh cười cười mà không trả lời. 

“Điều này em không biết rõ, chỉ biết rằng Hội Đồng Quân Đội lúc ấy có Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, và còn nữa nhưng người kể lại cho em nghe thì không nhớ hết, các vị quyết định Thiếu Tướng Phát phải lui quân. Và các vị lại họp tiếp và quyết định trục xuất Trung Tướng Khánh ra khỏi Hội Đồng Quân Đội, cách chức Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và buộc lưu vong”. 

“Anh có gặp Thiếu Tướng Phát khi ổng qua Mỹ này, Anh hỏi ổng tại sao ổng đảo chánh hồi năm 1965. Ông Phát trả lời thật ngắn là “Mỹ xúi”. Anh thấy chuyện đời mà buồn! Chú có biết là Anh (tức cựu Đại Tướng Khiêm), ông Khánh, ông Đức (Dương Văn), và ông Phát, bốn đứa Anh cùng học một khoá không? Vậy mà khi lên Tướng lại quay mặt đánh nhau! Chú có thấy chính trị nó làm mất tình cảm giữa anh em bè bạn với nhau không!      

 “Thưa anh Tư, em còn nhớ vào chiều ngày 06/10/1964, khi chuẩn bị lưu vong, anh Tư gọi em đến nhà, anh đích thân đem bánh rót nước trà mời em. Anh Tư có nói rằng: “Tôi nói với chú cũng như mấy chú trong văn phòng, nếu như còn thương tôi thì đừng bao giờ làm chính trị, vì chính trị đôi khi dẫn người ta đến chỗ không còn giữ lại cho mình tình cảm với người thân, với bạn bè bằng hữu”. Mà theo em nghĩ, chính trị tự nó không có gì là xấu cả, chỉ tại người làm chính trị thôi anh Tư”.

Đến đây thì cựu Đại Tướng Khiêm bận việc gì gấp nên chấm dứt vội vàng. Một lúc sau ông gọi lại cho biết là có việc nên không tiếp tục được. Xin đóng ngoặc.

Trước khi trở lại câu chuyện giữa tôi với Trung Tá Lê Hoàng Thao, tôi xin nói thêm về sự kiện Trung Tá Phạm Ngọc Thảo bị bắt và bị giết. Ngày 18/01/2004, đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại do ông Hồng Phúc phỏng vấn tôi về cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964, nhưng ở phần đầu người xướng ngôn có đọc bức thư của ông Bùi Dzũng từ Paris (con trai của cựu Đại Tá Bùi Dzinh). Theo đó thì khoảng tháng 07 năm 1965, Trung Tá Phạm Ngọc Thảo bị bắt và bị giết chết sau đó. Theo một vị đã trả lời trong cuộc phỏng vấn cũng của đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại, nguyên nhân là do bà Bùi Dzinh thường tới lui thăm nuôi chồng nên bị lộ tung tích. Lúc ấy cựu Đại Tá Bùi Dzinh, cựu Đại Tá Đỗ Văn Diễn, và Trung Tá Phạm Ngọc Thảo, cùng trốn chung trong một ngôi nhà vùng ngoại ô Biên Hòa. Ông Dzũng cho biết, thật ra người đến thăm thường xuyên là bà Đỗ Văn Diễn nên bị lộ tung tích chớ không phải bà Bùi Dzinh, tức mẹ của ông Dzũng. Cuối cùng, ông Dzũng yêu cầu đài phát thanh đính chánh để mẹ ông được yên nghỉ trong lòng đất. (So với ấn bản lần 3, xin đính chánh theo yêu cầu của ông Bùi Dzũng, ông không phải là bác sĩ. Đa tạ)  
Bây giờ xin tiếp tục câu chuyện. Tôi hỏi Trung Tá Lê Hoàng Thao: 
“Anh có chắc là Trung Tướng Khánh bị bắt rồi không?
“Chắc chắn mà. Nói thiệt anh nghe, nếu không xong thì 2 trái lựu đạn này đủ giải quyết rồi anh”.
Trung Tá Thao vừa nói vừa đưa 2 tay nắm vào 2 trái lựu đạn móc ở giây thắt lưng. Mặc dù anh Thao quả quyết việc Thiếu Tướng Lâm Văn Phát đã bắt được Trung Tướng Nguyễn Khánh nhưng tôi chưa dám tin, vì bắt Trung Tướng Khánh không phải dễ dàng đâu, bởi ông có toán an ninh cận vệ xứng đáng với sự tin cậy của ông.
Tôi lên xe với ý định xuống nhà Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Đổng lý Văn Phòng Bộ Tổng Tư Lệnh. Vừa ra cổng Bộ Tổng Tư Lệnh, trông thấy xe của bác sĩ Trung Úy Nguyễn Đức Thành (em ruột của Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng. Cấp bậc lúc ấy), bác sĩ riêng của Trung Tướng Khánh, từ hướng phi trường xuống, tôi ngoắc lại: 

“Anh Thành. Anh có biết Trung Tướng ở đâu không?

“Trung Tướng lên phi cơ đi rồi Thiếu Tá”.

“Chắc không anh, vì tôi nghe ông Trung Đoàn Trưởng đang chiếm giữ Bộ Tổng Tư Lệnh nói là Trung Tướng bị bắt rồi?

“Chắc chắn vì tôi đưa đi mà. Lúc phi cơ cất cánh có 2 chiếc Thiết Giáp chạy ra đường băng cản lại nhưng không kịp”.

“Trung Tướng đi đâu anh biết không?

“Tôi không rõ lắm, nhưng có thể là bay xuống Sư Đoàn 21 Bộ Binh (Bạc Liêu)”.

“Bây giờ tôi xuống nhà Thiếu Tướng Vỹ, anh có đi với tôi không?

“Tôi bận chút việc, nếu tiện thì tôi đến sau”.

“Vâng. Chào anh”.Vào nhà Thiếu Tướng Vỹ, hai ông bà rất thản nhiên chừng như không có việc gì xảy ra hết trơn.

“Lâu quá mới gặp anh. Anh chị mạnh khỏe chớ? Bà Vỹ thật vui khi nói với tôi như vậy.

“Cám ơn chị, tụi tôi vẫn thường thôi”.

“Hôm nay anh ở đây dùng cơm với vợ chồng tôi à nghe. Đây này, anh điện thoại về cho chị đi”. Vừa nói chị vừa đưa ống nói điện thoại cho tôi.

“Rất cám ơn chị và xin lỗi chị, chúng tôi có thân nhân từ Vĩnh Long lên thăm, nên chốc nữa phải quay về dùng cơm trưa chị à”.

Tôi vào chuyện nóng bỏng luôn:

“Thưa Thiếu Tướng, chắc Thiếu Tướng biết tin Trung Tướng Khánh đã xuống miền Tây rồi?

“Có. Tôi có biết”.

Lúc ấy tôi nghĩ mãi không ra là do đâu mà Thiếu Tướng Vỹ biết nhanh như vậy. Tôi thuật lại những gì tôi với bác sĩ Thành nói chuyện với nhau cho ông bà Vỹ nghe, sau đó tôi chào ông bà và trở lại Bộ Tổng Tư Lệnh, tìm gặp Trung Tá Thao:

“Anh Thao, Trung Tướng Khánh đã rời Sài Gòn bằng phi cơ lúc sáng, điều đó là xác thực. Tôi nghĩ là anh nên trình với Thiếu Tướng Phát mà cẩn thận, vì Trung Tướng Khánh nhiều thủ đoạn lắm, tôi e là không ổn đâu nghe”.

“Thiếu Tướng Phát nói với tôi là bắt ông Khánh rồi mà”.

“Tôi không nói Thiếu Tướng Phát nói không đúng, nhưng anh nên nghe tôi vì tin tôi nhận được là chính xác. Tùy anh”.          

Tôi vào văn phòng và chờ xem nội vụ mà tôi tin là thất bại. Buổi trưa hôm ấy, các vị Tướng Lãnh họp trong căn cứ Không Quân để tìm biện pháp giải quyết. Các vị nhiệt tình nhất là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, và Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi. Kết quả buộc Thiếu Tướng Lâm Văn Phát phải rút quân.

Tôi nghĩ, Trung Tướng Khánh chắc là rất bằng lòng khi biết quyết định này, vì Hội Đồng Quân Đội thu hẹp dù không có ông nhưng đã giải quyết đúng theo ý ông. Nhưng, các vị Tướng lại họp nữa, và kết quả sau cùng là "trục xuất" Trung Tướng Khánh ra khỏi Hội Đồng Quân Đội, đồng thời buộc ông phải lưu vong.
Xin nói thêm rằng, sau cuộc Chỉnh Lý ngày 30 tháng 1 năm 1964, Thiếu Tướng Thi với Thiếu Tướng Kỳ là hai vị Tướng Lãnh ủng hộ Trung Tướng Khánh mạnh mẽ nhất, vì cả 3 vị này có cùng quan điểm là phải đánh ra Bắc mới giải quyết tận gốc chiến tranh. Mở cuộc chiến tranh vào lãnh thổ cộng sản miền Bắc là một quyết định chiến lược ngoài tầm tay và cả tầm vói của những vị lãnh đạo của chúng ta cho dù các vị đang nắm quyền lãnh đạo. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta được Hoa Kỳ cung cấp trang bị cho một khả năng phòng thủ, mà chỉ là phòng thủ diện địa chớ không có khả năng chống không quân của địch nữa. Với hoàn cảnh "trói tay" như vậy, quan niệm đánh ra Bắc chỉ là một chiến lược không tưởng, dù rằng quan niệm này không phải là quá sớm. Nhưng dù sao thì những vị Tướng của chúng ta có một quan niệm chiến lược như vậy cũng là điều đáng mừng, vì bộc lộ một trách nhiệm cao độ trong chiến tranh gìn giữ quê hương.
Khi biết mình bị loại ra khỏi Hội Đồng Quân Đội, Trung Tướng Khánh gọi về văn phòng:

“Anh Hoa, anh tìm xem ông Đại Sứ Mỹ ở điện thoại nào và trình tôi ngay”. 
       
“Trung Tướng đang ở đâu vậy?

“Vũng Tàu”.

“Vâng. Tôi thi hành”.
    
Sau khi tìm mãi không được, tôi điện thoại trình Thiếu Tướng Vỹ thì ông cho biết là Trung Tướng Khánh vừa liên lạc với ông Đại Sứ Mỹ rồi. Và theo Thiếu Tướng Vỹ biết thì ông Đại Sứ cho rằng, người Mỹ không can thiệp vào vấn đề chính trị nội bộ của Việt Nam Cộng Hòa. Điều này được hiểu là Trung Tướng Khánh không còn lối nào để thoát. Vậy là con đường lưu vong mà Trung Tướng Khánh thiết lập cho Đại Tướng Khiêm "khánh thành", kế đó là Trung Tướng Dương Văn Minh trong chức "đại sứ lưu động", và bây giờ chính ông là người lữ hành đơn độc trên con đường mà chính ông chỉ muốn dành riêng cho những vị Tướng mà ông xem như “kẻ thù”. Tôi nghĩ, Trung Tướng Khánh không ngờ rằng, tên ông cũng có trong danh sách những vị một thời là “nạn nhân quyền lực” của chính ông!
Xin mở ngoặc để ghi lại lời thuật của anh Võ Văn Nghi, vào một tối cuối tháng 11 năm 2003 tại thành phố Houston. Anh là bạn tôi, và anh đồng ý cho tôi bổ túc vào ấn bản lần 4 này.
Anh Võ Văn Nghi, tốt nghiệp khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt năm 1954. Cấp bậc sau cùng (năm 1975) là Thiếu Tá, binh chủng Truyền Tin. Năm 1964, anh là Đại Úy Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Truyền Tin/Bộ Tổng Tư Lệnh. Anh được cử vào chức vụ Sĩ Quan Truyền Tin/Phủ Thủ Tướng, với nhiệm vụ chính là cung cấp mọi dịch vụ liên lạc vô tuyến khi tháp tùng theo Trung Tướng Nguyễn Khánh. Cùng trong toán Truyền Tin lưu động với anh còn có Đại Úy Lê Văn Hòa. Anh Nghi với anh Hòa, luân phiên nhau trực đi theo Trung Tướng Khánh. Ngoài Đại Úy Nghi hoặc Đại Úy Hòa tùy phiên trực, trong toán Truyền Tin lưu động này còn có một Trung Sĩ và một Hạ Sĩ chuyên viên sử dụng máy WM2.  
Giải thích của Phạm Bá Hoa: Ngày 1/11/1964, Trung Tướng Khánh đã tấn phong chánh phủ Trần Văn Hương, sau đó là chánh phủ Phan Huy Quát. Như vậy, Trung Tướng Khánh không còn ngồi trong Phủ Thủ Tướng nữa, nhưng theo lời anh Nghi thì Trung Tướng Khánh vẫn sử dụng bộ phận Truyền Tin của Phủ Thủ Tướng, vì cơ quan này có trang bị máy vô tuyến WM2, loại máy liên lạc được với tất cả các cơ quan hành chánh cũng như tất cả các đơn vị quân đội trên toàn quốc. Do vậy mà anh Nghi thuộc đơn vị Truyền Tin/Phủ Thủ Tướng. Điều này cũng được hiểu là khi bàn giao chức vụ Thủ Tướng, Trung Tướng Khánh vẫn giữ nguyên toán truyền tin đặc biệt và lưu động này theo ông, như là toán biệt phái đặc biệt. Hết phần giải thích. 
Ngày 19 tháng 2 năm 1965, khi lực lượng Sư Đoàn 25 Bộ Binh do Thiếu Tướng Lâm Văn Phát điều động xâm nhập tiến chiếm một số cơ quan trọng yếu trong thủ đô Sài Gòn, thì anh Nghi đang bận việc ngoài phố dù là anh đang trong phiên trực, vì vậy mà anh không kịp đi theo Trung Tướng Khánh khi ông dùng phi cơ C47 dành riêng cho ông để thoát khỏi Sài Gòn. Sau đó, toán Truyền Tin của anh bên cạnh Trung Tướng Khánh báo tin cho anh hay, lúc ấy Trung Tướng Khánh đã đến Vũng Tàu. Và đây là lời của cựu Thiếu Tá Võ Văn Nghi:
''Nghe nhân viên báo tin, tôi vội dùng xe Jeep với bảng số dân sự chạy ra Vũng Tàu. Đến nơi, thì phi cơ cất cánh đi nữa rồi nhưng chưa rõ đi đâu. Tôi quay về Sài Gòn. May quá, được tin từ toán Truyền Tin lưu động cho biết là Trung Tướng Khánh sẽ đến Biên Hòa họp với các vị Tướng Lãnh ở đó. Tôi chạy lên Biên Hòa, lúc ấy Trung Tướng Khánh chưa đến. Thiếu Tướng Kỳ trông thấy tôi, ổng nói:
“Giờ này mà anh còn đi theo ông Khánh làm gì nữa”.  
Ngưng một lúc để moi thêm trí nhớ, anh Nghi nói tiếp:
“Trung Tướng Khánh đến. Vào phòng họp, nhưng tôi không được vô. Một lúc sau, anh cận vệ bước ra nói với tôi là Thiếu Tướng Kỳ (Nguyễn Cao Kỳ) với Thiếu Tướng Thi (Nguyễn Chánh Thi) muốn Trung Tướng Khánh từ chức liền, nhưng Trung Tướng Khánh không đồng ý vì ông cho rằng, vụ chiếc tàu của cộng sản chở vũ khí đạn dược xâm nhập Việt Nam Cộng Hòa bị đánh chìm tại Rũng Rô (tỉnh Khánh Hòa, ngày 16/2/1965), đang là vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu để có biện pháp thích ứng với tình hình. Sau đó, Trung Tướng Khánh ra sân bay. Lên phi cơ. Tôi đi theo. Trung Tướng Khánh ra lệnh Đại Úy Đoàn, trưởng phi hành đoàn, bay ra Vũng Tàu (giải thích của Phạm Bá Hoa: từ đây, Trung Tướng Khánh gọi về văn phòng bảo tôi tìm ông Đại Sứ Hoa Kỳ cho ông liên lạc như tôi đã thuật ở trên).   
Anh Nghi thuật tiếp:
“Khoảng giữa đêm, Trung Tướng Khánh ra lệnh tất cả lên phi cơ, cất cánh ra Nha Trang. Trước khi đáp xuống Nha Trang, ổng bảo tôi gọi cho ổng nói chuyện với ông Tư Lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh (dường như là Thiếu Tướng Lữ Lan). Tôi liên lạc được, nhưng khi trao ống nói cho Trung Tướng Khánh thì đầu máy bên kia không nói nữa. Lúc ấy phi cơ đáp phi trường Nha Trang. Trung Tướng Khánh và tùy tùng xuống phi cơ thì bị một toán Không Quân võ trang bao vây. Trung Tướng Khánh chưa có phản ứng gì thì Thượng Sĩ Ngàn trong phi hành đoàn, dõng dạc nói với toán Không Quân rằng: “Đây là chuyện của những vị Tướng Lãnh, mấy chú không được hành động gì với Trung Tướng (Khánh) cả”. Thế là toán Không Quân giải tán. Thật sự thì tôi không biết Thượng Sĩ Ngàn là người như thế nào trong Không Quân mà lời nói của ổng được toán quân nhân võ trang này nghe theo, nếu không thì tôi cũng chưa biết việc gì xảy ra nữa”.           
Ngưng một lúc, anh Nghi thuật tiếp:
“Trung Tướng Khánh bảo tôi liên lạc với Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ để ổng nói chuyện. Tôi liên lạc được với Thiếu Tướng Kỳ và xin ổng chờ nói chuyện với Trung Tướng Khánh, nhưng khi tôi trao ống nói cho Trung Tướng Khánh thì Thiếu Tướng Kỳ không nói nữa. Giống như trường hợp liên lạc với Thiếu Tướng Lữ Lan (?). Như vậy có lẽ là trung ương đã thông báo cho các đại đơn vị rồi, ít ra cũng là Sư Đoàn 25 Bộ Binh tại Quảng Ngãi (giải thích của Phạm Bá Hoa: lúc thành lập, Sư Đoàn 25 Bộ Binh đồn trú tại Quảng Ngãi, về sau di chuyển vào Củ Chi, Hậu Nghĩa). Khoảng 2 giờ sáng (ngày 20/2/1965), Trung Tướng Khánh ra lệnh mọi người lên phi cơ và cất cánh lên Đà Lạt. Căn cứ Không Quân Nha Trang không cho phi cơ cất cánh, nhưng Trung Tướng Khánh bảo cứ cất cánh, và phi cơ rời khỏi đường băng an toàn. Đại Úy Đoàn, trưởng phi cơ báo cáo có hai chiếc khu trục AD6 đã cất cánh từ Sài Gòn ra, có thể là họ đuổi theo chiếc phi cơ này. Trung Tướng Khánh bảo tắt đèn và bay thấp, đổi hướng đi Hong Kong. Nhưng vài phút sau đó, Trung Tướng Khánh bảo quay lại và bay lên Đà Lạt, đừng đáp Liên Khàng mà đáp sân bay Cam Ly (giải thích của Phạm Bá Hoa: Cam Ly là phi trường nhỏ, sát ngoại ô thành phố Đà Lạt). Phi cơ bay không đèn, sân bay cũng không đèn, cũng may là trời có trăng nên đáp an toàn. Tôi gọi mấy anh trong biệt điện đem xe dodge ra đón một cách lặng lẽ. Trung Tướng Khánh cho Đại Úy Đoàn 20.000 đồng như để khen thưởng anh điều khiễn phi cơ đáp an toàn trong đêm tối, rồi ông bảo mọi người nghỉ ngơi.       
Tôi hỏi anh Nghi:
“Theo anh thì liệu có giới chức nào ở Đà Lạt biết Trung Tướng Khánh đến đây không?
“Tôi chắc là không ai biết đâu. Khoảng 10 giờ 30 trưa, anh Truyền Tin gọi tôi dậy vì Trung Tướng Khánh bảo tôi vào phòng gặp ông gấp, và ông ra lệnh: Anh (Đại Úy Võ Văn Nghi) thảo công điện gởi về Sài Gòn và phổ biến ngay, nói là tôi đồng ý thoái vị. Đồng thời yêu cầu các đơn vị đảo chánh hãy trở về vị trí”.
Tôi xin anh dừng lại để nêu câu hỏi cho rõ:
“Anh có nhớ rõ là Trung Tướng Khánh nói thoái vị hay nói từ chức?
Anh Nghi lặp lại:
“Trung Tướng Khánh nói thoái vị. Lúc ấy tôi thấy khó quá, vì đây là bản văn rất quan trọng mà ổng bảo tôi viết rồi gởi luôn. Tôi trình Trung Tướng Khánh:
“Xin Trung Tướng viết và tôi chuyển ngay”.        
“Anh viết là được rồi”. Lời của Trung Tướng Khánh.
“Dạ, tôi viết rồi trình Trung Tướng ký”.
“Không cần. Viết xong anh chuyển đi ngay”.
“Viết xong tôi gọi về Truyền Tin Phủ Thủ Tướng và đọc “bạch văn” luôn. Tôi yêu cầu phổ biến ngay trên các đài phát thanh. Sau đó thì Trung Tướng Khánh trở về Sài Gòn. Ông có yêu cầu Bộ Tổng Tư Lệnh phải để cho các quân nhân phục vụ trực tiếp  cạnh ông lâu nay, được chọn đơn vị phục vụ. Và tôi trở về chức vụ Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Truyền Tin/Tổng Tư Lệnh”.
Đến đây là hết phần tường thuật của cựu Thiếu Tá Võ Văn Nghi. Xin đóng ngoặc và trở lại với Hội Đồng Quân Đội.
Lời yêu cầu sau cùng của Trung Tướng Khánh là xin Hội Đồng Quân Đội cử ông giữ chức Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Tây Ban Nha, Hội Đồng Quân Đội không đồng ý. Nhưng theo lời trình của Hội Đồng Quân Đội, Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu ký Sắc Lệnh thăng cấp Đại Tướng cho Trung Tướng Nguyễn Khánh. Phải chăng đây là hành động của Hội Đồng Quân Đội an ủi Đại Tướng Nguyễn Khánh lên đường lưu vong? 
Dường như Đại Tướng Khánh “suy bụng ta ra bụng người” khi ông xin chức Đại Sứ, vì biện pháp mà ông loại trừ Đại Tướng Trần Thiện Khiêm với Trung Tướng Dương Văn Minh là ông cử đi làm “Đại Sứ lưu động” là xong. Một chức vụ tưởng như thưởng nhưng thật ra là phạt. Chức "Đại Sứ lưu động" là một chức vụ nghe rất lớn vì không phải chỉ làm Đại Sứ tại một quốc gia mà là nhiều quốc gia, chỉ tội một điều là không có tòa đại sứ, không xe không nhà, cũng không tùy tùng hay cận vệ, bởi chức vụ này chỉ dành cho những vị Tướng sa cơ thất thế! Cũng vì vậy mà báo chí thường nửa đùa nửa thật khi ví von câu: "được làm vua, thua làm đại sứ". Trong nửa năm qua (1964) sự thật là như vậy, nhưng sự thật này đã hạ thấp vai trò và trách nhiệm của những vị Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa trên chính trường quốc tế, và làm đau lòng những ai hằng quan tâm đến Quốc Gia Dân Tộc! 
Ngày 25/02/1965, Đại Tướng Nguyễn Khánh rời Việt Nam tự đi làm "đại sứ lưu động" ở đâu đó. Trước khi lên phi cơ, Đại Tướng Khánh thể hiện “lòng yêu nước thương dân” của ông bằng cách hốt nắm đất cho vào cái túi nhỏ mà ông gọi là "nắm đất quê hương" để mang theo trên đường "nhậm chức đại sứ". Đến đây xem như xong màn bi hài kịch của một nghệ sĩ trình diễn. Nhưng khổ nỗi, nếu như nghệ sĩ tồi thì chỉ những khán giả thiệt hại về tiền bạc, về công sức, về thời gian, còn trường hợp Đại Tướng Khánh trong 4 chức vụ lãnh đạo cao nhất với những quyền uy tột đỉnh của đất nước Việt Nam: Quốc Trưởng + Thủ Tướng + Tổng Trưởng Quốc Phòng + Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông đã gây tổn hại tinh thần, tổn hại nền nếp kỹ cương của quân đội, tổn hại uy tín quốc gia trên chính trường quốc tế, kể cả kẻ thù từ quốc gia phía bắc vĩ tuyến 17!
Theo tôi, giá mà Đại Tướng Nguyễn Khánh giữ những chức vụ lãnh đạo quân đội, điều binh khiễn tướng ở chiến trường thì thích hợp với ông hơn là nắm giữ chức vụ lãnh đạo quốc gia. Thật ra, Đại Tướng Khánh có phong cách và cái uy của vị Tướng xông pha trận mạc. Trong cách nhìn nào đó sau khi để qua một bên về khía cạnh chính trị và những gì thuộc về riêng tư, Đại Tướng Nguyễn Khánh, Đại Tướng Cao Văn Viên, và cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí, mỗi vị có cách riêng của mình trong nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh, và cả ba vị đều là Tướng Lãnh rất xứng hợp trong vai trò lãnh đạo và chỉ huy quân đội trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Tiếc thay, chỉ hơn một năm cầm đủ thứ quyền trong tay, Đại Tướng Khánh đã làm rối loạn nền nếp sinh hoạt chính trị lẫn kỷ cương quân đội. Phải công nhận Đại Tướng Khánh làm được nhiều việc, nhưng cái cốt lõi của vai trò lãnh đạo là đem lại sự đoàn kết mọi thành phần trong xã hội thành một khối để toàn dân một lòng gìn giữ quê hương, thì kết quả ngược lại. Liệu chúng ta có nên qui một phần trách nhiệm tinh thần cho Đại Tướng Trần Thiện Khiêm khi đưa Đại Tướng Nguyễn Khánh từ Tư Lệnh Quân Đoàn I lên đến chức vụ lãnh đạo quốc gia hay không, cho dẫu sự tiếp tay đó là vô tình đã tạo môi trường và cơ hội cho Đại Tướng Khánh thực hiện tham vọng chính trị? Nhưng nghĩ cho cùng, Đại Tướng Khiêm đã bị Đại Tướng Khánh bạc đãi đến mức hận thù rồi, không nên đè nặng lên tinh thần ông thêm nữa.
Xin nói thêm là cuối năm 1965, tôi nhận được bức thư dài 8 trang viết tay của Bà Trần Thiện Khiêm, 8 trang nhưng không có nghĩa là bức thư dài vì chữ viết của Bà rất to rất dễ đọc. Có đoạn Bà cho biết, dù đối xử không tốt với gia đình Bà, nhưng Đại Tướng Khánh cùng với Trung Tướng Đỗ Cao Trí, (đã tử nạn trực thăng trong cuộc hành quân vượt biên năm 1970) đã đến Washington D.C. sống trong gia đình Bà hằng tháng trời dù Bà không mời, khi Bà viết câu:
"khách không mời mà cứ đến cứ ở".  
Đến đây tôi xin mở ngoặc để thuật lại câu chuyện liên quan mà tôi đã trao đổi với cựu Đại Tướng Trần Thiện Khiêm trong cuộc điện đàm tối 21 tháng 10 năm 2003. Sau khi ông hỏi tôi những chi tiết trong cuộc đảo chánh này, tôi liền hỏi lại ông: (trong câu chuyện, cựu Đại Tướng Khiêm xưng là anh Tư và ông gọi tôi là chú, tôi thì xưng em)

“Thưa anh Tư, em xin hỏi anh Tư trong vụ Thiếu Tướng Phát đảo chánh ngày 19 tháng 2 năm 1965, theo lời Trung Tá Lê Hoàng Thao nói với em là có Trung Tá Phạm Ngọc Thảo từ tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ về tham gia, dự trù khi thành công thì anh Tư về cầm quyền. Điều đó có đúng không anh Tư?

“Trời ơi! Bây giờ chú hỏi Anh mới biết là tại sao lúc đó mấy anh nhà báo Mỹ nhất là tờ Washington Post theo phỏng vấn Anh. “Họ hỏi Anh biết gì về cuộc đảo chánh đó?” Anh trả lời là Anh không biết gì hết, và đang chờ tin tức từ Việt Nam. Còn cái vụ ông Thảo về Việt Nam là do ông Khánh (Trung Tướng Nguyễn Khánh) gởi công điện gọi ông Thảo về gấp đó. Anh có nghe nói là khi ông Thảo về tới phi trường Tân Sơn Nhất, được người nào đó cho biết là ông Khánh đã phái người chận bắt ông Thảo đem đi giết, nên người đó giúp ông Thảo chạy trốn luôn. Về sau, bị nhóm nào đó bắt được và giết chết”.   

“Vậy thì anh Lê Hoàng Thao đã không đúng”.

Xin đóng ngoặc, trở lại Bộ Tổng Tư Lệnh.            
Hội Đồng Quân Đội cử Trung Tướng Trần Văn Minh giữ chức Quyền Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. (Trung Tướng Minh nói ở đây không phải Trung Tướng Trần văn Minh sau này là Tư Lệnh Không Quân). Chức vụ đứng đầu quân đội hơn 600 ngàn quân, một lần nữa không có ai bàn giao cho người nhận chức. Không quốc kỳ, không quân kỳ, không vị nào chủ tọa, cũng không sĩ quan nào tham dự, chỉ mỗi Trung Tướng Minh và vài sĩ quan thân cận vào nhận việc một cách lặng lẽ! Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà "xuống giá" đến mức thảm thương như vậy đó! Thảm thương đến mức không bằng buổi bàn giao chức vụ Trung Đội Trưởng bộ binh khi tôi tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức nữa, vì dù sao cũng có Trung Úy Đại Đội Trưởng của tôi -Trung Úy Nguyễn Văn Thảo- chủ tọa giao nhận đàng hoàng, có bắt tay chúc mừng thân mật, và cùng nâng chén nước trà bên bụi chuối tại khu vực hành quân trong vùng hẻo lánh thuộc Quận Tam Bình tỉnh Vĩnh Long vào thượng tuần tháng 2 năm 1955.
Đây là lần thứ tư thay đổi chức vụ đứng đầu quân đội mà không có bàn giao. Lần thứ nhất ngay sau ngày lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành công, Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận chức ngày 2 tháng 11 năm 1963, lúc ấy Đại Tướng Lê Văn Tỵ nằm quân y viện. Lần thứ nhì, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm nhận chức ngày 30 tháng 1 năm 1964, lúc ấy Trung Tướng Trần Văn Đôn đã bị bắt. Lần thứ ba, Trung Tướng Nguyễn Khánh nhận chức ngày 7 tháng 10 năm 1964, lúc bấy giờ Đại Tướng Trần Thiện Khiêm vừa rời Việt Nam lưu vong.
Trung Tướng Minh không thay đổi tổ chức cũng như nhân viên văn phòng, ngoại trừ Đổng Lý Văn Phòng và Bí Thư của ông. Rất có thể vì chức vụ của ông có chữ "Quyền" đứng trước có nghĩa là "tạm thời", nên ông không thay đổi gì cả, và ông cũng không hề thăm bất cứ một đơn vị nào, thậm chí ngay cả các Phòng của Bộ Tổng Tư Lệnh cũng không được ông ghé mắt vào nữa. Nhưng tại văn phòng, Trung Tướng Minh giải quyết công việc tương đối nhanh chóng và dứt khoát. Phải công nhận là ông xử sự với tất cả quân nhân viên chức rất lịch sự. Không bao giờ ông gọi anh này anh kia, mà bao giờ ông cũng dùng tiếng "vous" (tiếng Pháp) bất luận trước mặt ông là anh tùy phái hay vị sĩ quan.
Tôi không rõ thời oanh liệt của Trung Tướng Minh ra sao, nhưng trong chức vụ Quyền Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, ông không khác vị công chức sắp về hưu bao nhiêu, cứ như "sáng vác ô đi tối vác về" đều đặn như vậy trong mấy tháng ngồi trong phòng rộng lớn chính giữa tầng lầu 2 tòa nhà chánh của trại Trần Hưng Đạo.
Bên phải bàn giấy của ông là những cửa kiến nhìn xuống võ đình trường rộng lớn uy nghi, với cột cờ cao vời vợi mà trên đỉnh là lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ tung bay trong gió. Cũng từ đây nhìn bao quát là những dãy nhà 2 tầng với kiến trúc khang trang mang dáng vấp phương Tây, dùng làm các phòng sở cơ quan trực thuộc ẩn hiện dưới những tán cây nhiều bóng mát, tô điểm thêm những nét chấm phá cho bản doanh cơ quan cao nhất của quân đội: "Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa". Một cơ quan có đến 2.000 quân nhân viên chức, trong số có rất nhiều Tướng Lãnh và sĩ quan cao cấp. Chính nơi đây, những vấn đề chiến lược chiến thuật được các phòng sở cơ quan nghiên cứu, soạn thảo, ban hành về tổ chức, trang bị, huấn luyện, nuôi dưỡng, và điều khiễn hành quân chống trả quân cộng sản xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa trong mục tiêu chiến lược bành trướng chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới nói chung, và Việt Nam Cộng Hòa trong bối cảnh một Đông Nam Á cộng sản nói riêng. Nhưng không biết là Trung Tướng Minh có khi nào đứng bên cửa sổ nhìn bao quát khuôn viên trại Trần Hưng Đạo này, để mà thấy rõ trách nhiệm của người có đủ tư cách và quyền uy ngồi vào chiếc ghế Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hay không?
Chức vụ Quyền Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Trung Tướng Trần Văn Minh, kéo dài đến một ngày tính ra chỉ được gần 4 tháng ….

No comments: